14 November, 2019

#25: Bài kiểm tra tình yêu ?

#25: Bài kiểm tra tình yêu ?
Available in:
 Vietnamese
Reading time: 5 min.
Table of content

    Cách đây khoảng 1 tuần, mình có để ý tới một đề tài nho nhỏ khi đang lướt facebook. Đề tài này nằm trong cuộc thi tranh biện CNH Debate Open 2019 mới được diễn ra gần đây, nó đặt ra nghi vấn về việc nên có hay không một “bài kiểm tra tình yêu” để quyết định “mức độ tương thích” của 2 người. Điều này đã khiến mình đã nhớ lại câu chuyện về 1 module có tên mã promatch, hay lúc đó còn gọi nôm na là “Tính năng trợ giúp tìm đối prom” do mình phát triển vào khoảng tháng 5 năm 2019.

    Và vì từng nghĩ khá nhiều về vấn đề này nên mình mong muốn viết bài này để chia sẻ một góc nhìn cá nhân, chứ không phải muốn break đề hay muốn nói về kỹ thuật gì cả (vì bài viết chi tiết về kỹ thuật đã có tại đây). Bài viết này sẽ như câu chuyện cổ tích nào đó tôi hay kể cho Diệu Trang nghe trước khi đi ngủ.

    Ảnh trích từ The Selfish Ledger

    Cảm hứng đầu tiên để mình viết bài này đến từ The Selfish Ledger của Google. Mở đầu video này là thuyết về tiến hóa của Lamarckism. Trong thuyết này, ông có nói tới một loại “code” ở bên trong mỗi sinh vật sống. “Code” này quyết định giống loài cũng tính chất của chính cá thể đó (mà về sau người ta gọi là DNA). Những tác động từ môi trường sống sẽ làm sinh vật biến đổi “code” của bản thân để thích nghi, và sau cùng cá thể đó có thể truyền lại “code” này cho thế hệ sau.

    Ý tưởng này về sau đã lại sử dụng theo một cách không ngờ tới: chính những gì mà một con người bộc lộ ra ngoài dần dần phản ánh một “cuốn sổ cái” về tính cách cũng như các đặc điểm về mặt sinh học của người đó. Có thể coi “cuốn sổ cái” này như một bản “DNA” của một cá nhân. Nhưng hãy nghĩ theo cách khác, liệu rằng “cuốn sổ cái” đó có thực sự thuộc về 1 cá nhân, hay phần nhiều nó sẽ là “cuốn sổ cái” chung của loài người? Và liệu rằng “mức độ tương thích giữa 2 cá nhân” sẽ là một thứ có thể định nghĩa được dưới dạng điều kiện và số học trong cuốn sổ này?

    Ảnh trích từ The Selfish Ledger

    Trở lại với promatch, ý tưởng ban đầu khiến mình chọn word vector thật ra là do mình… lười. Nhưng cái lười đó cũng “vô tình” mang lại nhiều ý nghĩa lắm chứ: việc chọn word vector ko những giúp mình có thể sử dụng những tài nguyên có sẵn trên mạng (đơn giản hóa việc phát triển về mặt code), mà còn mở ra một cái nhìn tổng quan về bài toán “mức độ phù hợp nhau” giữa 2 con người. Đào sâu hơn vào cách giải quyết này, nó mở ra một hướng đi rất có tiềm năng: có thể làm cách nào đó, chuyển đổi những gì một con người biểu hiện ra ngoài, thành một dạng “kỹ thuật số” biểu diễn tính cách của người đó.

    Như vậy với hướng đi này, đích đến của bài toán sẽ là xây dựng một phần mềm mà khi nhập vào những đặc điểm (tuổi tác, sở thích, …) lấy từ một “bài kiểm tra”, thì phần mềm có thể tính ra một dạng vector số học cho người đó, và sau cùng là tính “mức độ tương thích” giữa 2 vector này. Phần mềm này có thể được xây dựng bằng cách sử dụng machine learning để nghiên cứu các cặp đôi đang yêu nhau. Việc này có thể sẽ tốn nhiều thời gian, cần nhiều dữ liệu, nhưng nó sẽ đáng, cũng giống như cách họ đã làm để giải mã các gene của con người vậy. Nhưng khoan đã, vậy liệu chăng phần mềm đó sẽ chính là một “cuốn sổ cái” về tính cách, hay cụ thể hơn là về tình yêu của loài người?

    Tôi biết sẽ còn một vấn đề to đùng liên quan đến độ chính xác của một “bài kiểm tra” như vậy. Nhưng xét cho cùng, tình yêu thì là một đặc điểm của con người, mà đặc điểm rồi lại gắn với gene, và sau cùng gene thì lại quy về một dạng “code” có thể giải mã được.

    Ảnh trích từ phim Her – một bộ phim mình rất thích nói về tình yêu giữa một anh chàng và một cô trợ lý ảo

    Và tất nhiên bài này vẫn chưa thể kết đc nếu chưa có phần phản bác. Vấn đề to hơn mà mình nghĩ đến: sự “lách luật” lại cũng là một đặc điểm khác của con người. Liệu có ai có thể chắc chắn rằng, khi một cá nhân hay tổ chức nào đó sở hữu một phần mềm như vậy, họ sẽ không lạm dụng nó vì lợi ích của riêng họ? Có ai chắc chắn rằng họ sẽ ko sử dụng chính phần mềm đó để điều khiển một cách có chủ đích cho 2 người yêu nhau? Đó sẽ là một thảm họa đi ngược lại với thuyết tiến hóa.

    Sau cùng, xét dưới con mắt của một người đam mê tin học, và cụ thể là về data science / machine learning, tôi ủng hộ ý tưởng về một “bài kiểm tra tình yêu”. Còn xét dưới con mắt của một người đương yêu, tôi thậm chí không còn đủ tin tưởng vào máy móc để tiếp tục phát triển promatch nữa.

    Want to receive latest articles from my blog?